Diễn Giả – CEO, Công ty Master Phuong, Đặng Kim Phượng: Lựa chọn luôn luôn tốt hơn cố gắng

Yêu công việc mình làm hay làm công việc mình yêu thì cốt lõi của quyết định đó vẫn là lựa chọn của mỗi người. Và, lựa chọn của Đặng Kim Phượng là làm thế nào để bản thân luôn giữ được niềm say mê trong công việc, cống hiến được nhiều giá trị cho những người có cơ hội gặp gỡ trong đời…

Đến trò chuyện với Tạp chí Nữ Doanh Nhân trong một buổi chiều hè, Đặng Kim Phượng gây ấn tượng cho chúng tôi với lối tư duy thông minh và bản lĩnh, vừa chứa đựng sự sôi nổi tràn đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ, vừa giàu kinh nghiệm và sự sâu sắc của một nữ doanh nhân trưởng thành. Tốt nghiệp ngành Quản lý Du lịch và Khách sạn ở Thụy Sỹ, bắt đầu sự nghiệp tại nhiều tập đoàn khách sạn trên thế giới, những tưởng hành trình thăng tiến của Đặng Kim Phượng sẽ gắn bó với ngành nghề mến khách này. Nhưng rồi đau đáu với niềm đam mê về tâm lý học và phát triển con người, cô rẽ hướng khởi nghiệp kinh doanh trang sức đá năng lượng và trở thành diễn giả khai thông tư duy, giúp mọi người vượt qua mọi rào cản và có sự đột phá trong cuộc sống.

Trong cộng đồng diễn giả nữ ở Việt Nam thì Đặng Kim Phượng có vẻ là nhân vật ít tuổi nhất nhưng lại là người hoạt động ở nước ngoài nhiều nhất. Cô hiện là Đại sứ Hòa bình danh dự của tổ chức Sáng kiến Hòa bình & Thịnh vượng Toàn cầu (Global Peace & Prosperity Initative – GPPI), đồng thời là thành viên Ban Giám đốc của Quốc hội Thanh niên Quốc tế (International Youth Parliament – IYP). Với tư cách là diễn giả, Đặng Kim Phượng được mời diễn thuyết tại các Hội nghị Phụ nữ Toàn cầu (Global Women Summit) ở nhiều quốc gia như Mỹ, Anh, Morocco, Cairo, Uganda, Senegal và nhiều nước khác trong khu vực Đông Nam Á với nội dung hướng về mục đích hỗ trợ phụ nữ cải thiện, nâng cao và đạt được sự xuất sắc trong 7 khía cạnh cuộc sống: tinh thần, tình cảm, thể chất, tài chính, tâm linh, xã hội và gia đình. Trái ngược với con đường phát triển của nhiều diễn giả thường khẳng định tên tuổi trong nước rồi mới vươn ra quốc tế, Đặng Kim Phượng chọn cho mình một hướng đi khác biệt khi phát triển tại các diễn đàn nước ngoài nhiều hơn hẳn tại Việt Nam. Được biết đến với triết lý bán hàng độc đáo trong mô hình kinh doanh đá quý năng lượng, nữ doanh nhân trẻ này thật sự gây tò mò cho những ai vừa tìm hiểu về cô…

Xin chào chị Đặng Kim Phượng! Việc trở thành diễn giả với chị là người chọn nghề hay nghề chọn người? Với kinh nghiệm làm diễn giả ở nhiều diễn đàn trong nước và quốc tế chỉ trong một thời gian ngắn, chị nhận định đâu là sứ mệnh của một diễn giả?

Công việc diễn giả đến với tôi một cách rất tự nhiên trong quá trình tôi kinh doanh trang sức đá năng lượng và chia sẻ về khoa học não bộ với khách hàng. Để thành công ở bất kì lĩnh vực nào trong cuộc sống, chúng ta cần hội tụ 3 yếu tố: tư duy, chiến lược và nguồn lực. Trong đó, yếu tố nguồn lực bao gồm các mối quan hệ, tài chính, phương tiện, kĩ năng và nhân sự là những thứ mà mọi người đều nhận thức được dễ dàng. Ngược lại, tư duy là yếu tố quan trọng nhất nhưng cũng là thứ mà chúng ta hay nhận định sai nhất. Tony Robbins từng nói “thành công chỉ có 20% là do kỹ năng còn lại 80% là do tâm lý”, và tôi nhận ra đam mê của mình là hỗ trợ khách hàng tái lập trình lại tư duy, xóa bỏ những niềm tin bị hạn chế, chuyển hóa suy nghĩ tiêu cực, vượt qua đau khổ, chế ngự nỗi sợ, lấy lại cân bằng và giải phóng năng lượng bản thân. Việc lắng nghe, trò chuyện, định hướng và truyền cảm hứng cho mọi người dần đưa công việc diễn giả đến với tôi và cũng là cơ duyên mà nghề diễn giả đã ưu ái chọn tôi.

Sứ mệnh của một diễn giả là góp phần thay đổi cuộc sống của càng nhiều người càng tốt. Tôi tin tưởng một cách mãnh liệt rằng mỗi chúng ta sinh ra đều có sứ mệnh giúp đỡ người khác. Cuộc sống không đơn giản chỉ là một vòng tuần hoàn khi bạn sinh ra, lớn lên rồi từ giã cõi đời mà không để lại dấu ấn nào. Mỗi người, khi đến một độ tuổi nào đó dù sớm hay muộn, cũng sẽ chạm đến cột mốc có tất cả mọi thứ trong tay. Khi đó, họ sẽ tự hỏi bản thân rằng “Tiếp theo phải làm gì?”. Cống hiến cho xã hội là nhu cầu cao cả nhất của mỗi người, và sứ mệnh của người diễn giả cũng không nằm ngoài nhu cầu đó, có khác chăng là dành cho đối tượng nào và bằng hình thức nào.

Kỳ vọng của những diễn giả có lẽ là sức thuyết phục cao và khả năng truyền cảm hứng đến số đông. Để làm được điều đó, theo chị một diễn giả cần có những phẩm chất nào?

Một diễn giả trước hết phải có “sự chân thành” trong mong muốn giúp đỡ người khác. Những lời nói xuất phát từ sự thật tâm sẽ đi đến được trái tim người nghe. Tiếp theo là “sự kiên trì và nhẫn nại” trong việc mài giũa tài năng và nâng cao sinh lực hoạt động. Bên cạnh đó, họ cũng cần có sự bình tĩnh để phân tích vấn đề một cách hợp tình hợp lý nhằm thuyết phục được ngay cả những người nghe bảo thủ nhất. Phẩm chất thứ ba là “sự khiêm tốn”. Dù họ là diễn giả có hàng ngàn người hâm mộ tin tưởng, họ cũng không được tự mãn mà phải biết khiêm nhường lắng nghe và tiếp thu có chọn lọc. Cuối cùng là “tinh thần cầu tiến” – học, học nữa, học mãi. Những giáo sư, nhà đào tạo hay diễn giả chính là những người phải học nhiều nhất, càng nổi tiếng họ càng trau dồi bản thân để tương xứng với vị trí và uy tín của họ. Tất cả những nhà diễn giả thực thụ đều học cách nói không với những điều tốt đẹp để nói có với những điều tốt nhất. Họ luôn phấn đấu không ngơi nghỉ để chạm tới sự vĩ đại, để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.

Dù vậy thì diễn giả cũng là một con người, cũng có những giây phút “hỉ nộ” khiến bản thân mang tâm trạng tiêu cực. Chị làm thế nào để luôn mang đến cho người nghe những nguồn năng lượng tích cực nhất?

Đúng là có những lúc như thế. Để giải tỏa, tôi luôn áp dụng phương pháp có tên gọi “Giải phóng căng thẳng và xác lập mục tiêu” (Release Tension, Set Intention) của nhà huấn luyện nổi tiếng Brendon Burchard. Đây là phương pháp đơn giản với ba bước, một là hít thở sâu, hai là giải phóng năng lượng tiêu cực, và ba là xác định mục tiêu và vai trò của bản thân trong hoàn cảnh sắp diễn ra. Kết hợp ba bước này giúp tôi nhanh chóng gạt bỏ cảm xúc cá nhân, nạp lại năng lượng và tạo nên sự tận tâm với công việc mình đang chuẩn bị tiếp nhận hoặc với người mình sắp gặp gỡ.

Tuy nhiên cũng có đôi lúc tinh thần tôi tụt dốc không phanh và tôi quên luôn mọi thủ thuật tâm lý. Trong những tình huống đó, tôi tự nhủ với bản thân rằng lựa chọn luôn luôn tốt hơn cố gắng. Quyền năng tối thượng của loài người chính là quyền năng được lựa chọn. Nếu chúng ta chọn sai ngay từ đầu, thì sau này, có cố gắng như thế nào đi chăng nữa, thì chúng ta vẫn sẽ khốn khổ. Nếu chúng ta chọn đi xe đạp, thì có cố gắng cách mấy cũng không đi nhanh bằng người đi xe máy. Sự “hỉ nộ” giống như một chiếc lá khô bị bắt lửa giữa rừng cây. Nếu bạn không dập tắt nó ngay từ đầu mà chọn để nó tiếp tục cháy, nó sẽ bén lửa ra những chiếc lá bên cạnh, rồi thiêu đốt cả khu rừng. Sau đó, dù cố gắng ra sao đi chăng nữa, bạn sẽ chịu vô vàn tổn thất. Câu hỏi tôi tự chất vấn mình là liệu vấn đề tôi đang gặp phải có lớn đến mức tôi không thể buông bỏ hay không. Tôi chọn buông bỏ cảm xúc tiêu cực này để tiếp tục lan tỏa năng lượng thuần khiết tới người nghe hay tôi chọn việc ôm lấy nó, để nó hủy hoại tôi và cả những người xung quanh.

Diễn giả vốn dĩ là một hình mẫu truyền động lực mà nhiều người thán phục, muốn noi theo. Nhưng với tư thế của một diễn giả trẻ, chị đã rèn giũa cho mình như thế nào để vươn đến vị thế đó?

Tôi có một niềm tin rất mạnh mẽ rằng kỷ luật chính là yếu tố đầu tiên và tiên quyết để quyết định nên sự thành bại của bất kỳ ai. Cụm từ này nghe có vẻ hà khắc và lớn lao, dễ khiến người ta muốn chùn bước. Hãy nghĩ một cách đơn giản, kỷ cương đến từ việc chúng ta tự uốn nắn bản thân từ những hành động nhỏ nhất mỗi ngày, ví dụ như tôi dành một giờ mỗi tối để luyện giọng nói, cho dù tôi bận tới đâu. Kỷ luật là trách nhiệm phải thực hiện cam kết với chính mình. Nếu bạn thất hứa với bản thân, thì ai sẽ giữ lời hứa với bạn đây? Kỷ luật giống như cơ bắp vậy, nó được hình thành và trở nên vững chắc hơn thông qua một chuỗi các hành động được lặp đi lặp lại đều đặn.

Một khi lên kế hoạch chinh phục một dự án hay giúp đỡ một người nào đó, tôi sẽ làm tới cùng. Tôi sẽ dốc hết tâm trí, sức lực, tinh thần, thời gian, thậm chí là mồ hôi và nước mắt để hoàn thành. “Bỏ cuộc” không có trong từ điển của tôi. Đối với tôi, hạnh phúc trong sự nghiệp là khi bạn cảm thấy hài lòng với những nỗ lực hết mình của bản thân. Thước đo của thành công không phải là số người ngưỡng mộ bạn mà là số người mà bạn phục vụ.

Con đường sự nghiệp với nhiều khúc quanh co có lẽ không ít lần khiến chị vấp phải những sai lầm. Chị đã từng gặp cú vấp lớn nào trên con đường mình đi chưa?

Tôi đã gặp một sự cố trong năm 2018. Vì bản thân vốn là một người nhiệt huyết nên tôi đã có những khoảnh khắc nóng giận khiến một số nhân viên bị tổn thương và xin nghỉ việc hàng loạt. Sự việc ấy khiến tôi bị suy sụp và ân hận rất nhiều. Tôi cho rằng mình đã vấp ngã thảm hại, thiếu kỹ năng lãnh đạo và quản trị cảm xúc. Tôi bắt đầu nghi ngờ năng lực bản thân, và tự nghi ngờ chính là liều thuốc độc mạnh nhất, tiêu diệt bao ước mơ của chúng ta. Thất bại đó đã khiến tôi thức tỉnh, tôi gò ép mình phải thay đổi quyết liệt và phải bứt phá bằng mọi giá! Ngày hôm nay, khi nhìn lại, tôi cảm thấy biết ơn biến cố đó, nó đã biến tôi trở thành một nhà lãnh đạo hoàn thiện và xây dựng thành công một đội ngũ đáng tự hào như hiện nay.

Vượt qua sự cố đó, chị có bị tâm lý e sợ những thất bại có thể xảy đến với mình không?

Nếu nói không sợ thất bại thì đó là nói dối! Sự khác biệt giữa người bình thường và người xuất chúng là sự nhận thức và phản ứng trước thất bại của họ. Chúng ta không thể cài đặt một hệ cảm xúc miễn nhiễm với vấp ngã và nỗi đau, nhưng chúng ta có thể lập trình một cuộc sống mà ở đó mình đủ mạnh mẽ, kiên cường và can đảm để đón nhận bất cứ điều gì mà số phận “ném” vào. Bản thân tôi cho rằng, khả năng khiến cho mình luôn giữ được trạng thái điềm tĩnh và tâm thế thanh thản khi cơ hội hay thất bại tìm đến đã là một dạng thành công rồi.

Nhiều người trẻ hiện nay khá mạnh mẽ và dấn thân làm những điều mình muốn nhưng họ chưa va vấp thất bại. Ngoài tâm lý sẵn sàng đón nhận mọi thứ, chị nghĩ họ nên chuẩn bị gì thêm cho mình để giảm thiểu khả năng thất bại?

Giới trẻ hiện nay có lòng tự tôn rất cao và muốn theo đuổi hoài bão theo một cách riêng của chính mình. Tuy nhiên, họ cần phải thực tế và nhìn xem chiến lược cho tương lai của mình có những lỗ hổng nào để lên phương án dự phòng, nhằm tăng xác xuất thành công. Một trong những chìa khóa giúp bản thân tôi đi đến được ngày hôm nay chính là sử dụng phương pháp mô phỏng. Khi bạn muốn thành công trong một lĩnh vực nào đó, bạn hãy tìm kiếm những bậc thầy tài giỏi nhất trong lĩnh vực ấy để làm hình mẫu lý tưởng, từ đó soi chiếu để học hỏi theo. Đây là cách thức nhanh nhất, không đòi hỏi nhiều tiền bạc và chất xám nhưng vẫn có thể giúp chúng ta tiến bộ vượt bậc.

Việc dấn thân để theo đuổi ước mơ và xây dưng doanh nghiệp là đáng hoan nghênh. Ai cũng phải có một chút máu liều thì mới có được thành tựu, nhưng nên là sự liều lĩnh có tính toán, thông qua việc lên kế hoạch chi tiết, khả thi và có tính đo lường được.

Vừa là một nữ doanh nhân điều hành doanh nghiệp vừa là một diễn giả truyền cảm hứng, hai vai trò này đã mang đến sự tương hỗ như thế nào trong sự nghiệp của chị?

Cả hai vai trò này đều có sự kết nối chặt chẽ với nhau, cùng hướng về mục đích sống và hoài bão của tôi. Tôi khao khát kiến tạo nên một đế chế tiên phong trong ngành chăm sóc sức khoẻ tâm linh và tâm lý cho người Việt Nam. Tôi đã có kế hoạch 10 năm cho công ty Master Phuong và kế hoạch 20 năm cho những công ty tương lai khác để thực thi tầm nhìn này. Tôi tin rằng mình sinh ra để làm diễn giả. Nhờ khả năng truyền động lực và giảng dạy của vai trò này, tôi đã tạo nên sự khác biệt và đưa doanh nghiệp của mình trở thành đơn vị đi đầu trong lĩnh vực đá quý năng lượng. Tôi không chỉ muốn xây dựng một sự nghiệp mà còn để lại di sản là những chương trình tôi dạy, những quyển sách tôi viết, những kiến thức và kinh nghiệm tôi truyền đạt được lưu giữ lại dưới nhiều hình thức. Tôi mong muốn mình sẽ chạm tới thật nhiều những cuộc đời đang gặp bế tắc, ở thế hệ này và các thế hệ sau. Diễn giả là sự tương hỗ trực tiếp cho hoài bão này của tôi.

Cùng là một nữ doanh nhân, chị có nhận xét thế nào về những người nghe là các nữ doanh nhân đã tham gia các buổi diễn thuyết của chị? Họ có điều gì gây ấn tượng nơi chị hay không?

Qua tương tác kinh doanh, dạy học và huấn luyện cho nhiều học viên là chủ doanh nghiệp, tổng giám đốc, CEO… cho đến các vị quản lý trong chính quyền, tôi nhận thấy đa phần các nữ doanh nhân đều có sự “nam tính” hơn hẳn so với những người phụ nữ làm nghề khác. Vận hành doanh nghiệp đòi hỏi sự quyết đoán, kiên định và cứng rắn. Đặc điểm đó vô hình trung khiến họ mất đi sự nữ tính, dịu dàng. Họ thường chịu nhiều định kiến xã hội hơn nam doanh nhân, bị áp lực của hình mẫu hoàn hảo “giỏi việc nước, đảm việc nhà” và do đó có khuynh hướng trở nên quá đòi hỏi và khắc nghiệt với chính mình. Họ giải bày với tôi những nỗi sợ sâu thẳm mà họ thường đè nén và nhiệm vụ của tôi là giúp họ thoát ra khỏi những gánh nặng mà họ đã vô thức tự đặt lên vai mình.

Trong guồng quay công việc tất bật, có bao giờ chị cảm thấy quá tải không? Theo chị, một sự nghiệp thành đạt có phải là đích đến viên mãn cuối cùng của người phụ nữ?

Ngoài các công việc đang đảm trách, hiện tại tôi còn là Master Coach tại học viện Mind Coach Việt Nam và tôi cũng đang chuẩn bị xuất bản sách. Các vai trò đó cùng với lịch trình liên tục đi đào tạo tại nước ngoài có làm tôi cảm thấy hơi quá tải. Đôi khi tôi chỉ ngủ có 4 tiếng một ngày do bị jet lag (xáo trộn nhịp sinh học do trái múi giờ). Nhưng điều khích lệ tôi nhất là tình cảm yêu thương và sự quan tâm cổ vũ mà các học viên dành cho tôi. Nhờ có sự công nhận và ủng hộ của cộng đồng, vừa qua tôi đã nhận được hai giải thưởng “Thương hiệu tốt nhất” được bình chọn bởi Mạng lưới nữ lãnh đạo Quốc tế và “Start-Up có sức ảnh hưởng nhất” của tạp chí Her World (Best Start-Up by Her World Young Achiever).

Tôi nghĩ rằng tất cả những gì người phụ nữ có được từ danh tiếng, địa vị, tiền bạc, sự ngưỡng mộ đều sẽ trở nên vô nghĩa nếu không có gia đình bên cạnh để chia sẻ. Một người thành đạt mà vẫn phải gặm nhấm sự buồn tủi hay cô đơn thì sao có thể gọi là hạnh phúc? Đối với tôi, đích đến cuối cùng của người phụ nữ là xây dựng một gia đình vững chắc để cùng sát cánh đi qua mọi thăng trầm trong hành trình kiến tạo đế chế.

Bài viết và hình ảnh độc quyền của tạp chí Nữ Doanh Nhân (issue 126 – tháng 7/2019)

Text: Jenni Võ, Hồng Đặng | Creative Director: Hiep Le Duc| Photo: Quang Khuê | Stylist: Trần Nhật Anh | Makeup: Khai Tu | Producer: Vy Tran